- 21/08/2023
Mặc dù nền kinh tế vĩ mô vẫn đối mặt với nhiều thách thức nhưng số liệu thống kê của Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm lại cho thấy những tín hiệu tích cực của ngành bảo hiểm trong 7 tháng đầu năm 2023.
Ngành bảo hiểm phát triển bền vững dựa trên cơ chế quản lý tài chính minh bạch
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 7.2023 quy mô thị trường bảo hiểm tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước với giá trị tổng tài sản khoảng 870.002 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) quay trở lại nền kinh tế ước đạt 727.964 tỉ đồng, tăng 14,19% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, tính riêng các DNBH nhân thọ chiếm khoảng 662.407 tỉ đồng.
Trên thực tế, đây không phải là năm đầu tiên tổng đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH tăng ở mức ấn tượng. Kết quả này cũng phần nào chứng minh được vai trò quản lý, giám sát hiệu quả từ phía cơ quan Nhà nước. Xuất phát điểm từ quyết định “mở cửa” nền kinh tế tại Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), việc Chính phủ ban hành Nghị định 100 CP về hoạt động kinh doanh bảo hiểm (năm 1993), Luật kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội thông qua năm 2000, Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV và có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đều được xem là những “đòn bẩy” thúc đẩy ngành bảo hiểm phát triển trong 30 năm qua.
Đi kèm chính sách hỗ trợ, các điều khoản trong khuôn khổ pháp lý cũng cho thấy sự khắt khe và thận trọng của các đơn vị quản lý Nhà nước khi một DNBH muốn phát triển sản phẩm mới trên thị trường. Ông Phan Quốc Tuấn – CEO Viện Phát triển Nguồn nhân lực Bảo hiểm cho biết: “Theo quy định của pháp luật, khi muốn đưa một sản phẩm ra thị trường, DNBH phải trình Bộ Tài chính phương pháp và cơ sở tính phí, phương pháp trích lập các quỹ tài chính liên quan. Tất cả các sản phẩm bảo hiểm trước khi đưa ra thị trường đều được kiểm duyệt chặt chẽ“. Đây được xem là những yếu tố giúp thị trường bảo hiểm phát triển theo hướng bền vững, thượng tôn pháp luật.
Dự báo năm tài khóa khả quan của nhóm doanh nghiệp FDI
Riêng đối với nhóm doanh nghiệp FDI, việc Chính phủ khuyến khích đầu tư vốn và tái đầu tư lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam đã mở lối cho dòng vốn ngoại chảy vào ngành bảo hiểm. Một số DNBH FDI đã và đang cho thấy vai trò quan trọng trong tiến trình thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc.
Phân tích yếu tố tạo nên thành công của nhóm doanh nghiệp này, chuyên gia kinh tế – TS Vũ Đình Ánh – Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: “Các doanh nghiệp FDI không chỉ đem đến nguồn vốn đầu tư lớn mà còn mang theo các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro, công nghệ và quản trị áp dụng vào quá trình vận hành bộ máy kinh doanh. Điều này vừa giúp doanh nghiệp duy trì được nhịp tăng trưởng đều đặn trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định vừa giúp họ tạo dựng được nền tảng tài chính tăng trưởng bền vững ngay cả khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay”.